Cơ cấu tổ chức > Đoàn thanh niên > NỘI SAN “HÀNH KHÚC TUỔI XANH”
NỘI SAN “HÀNH KHÚC TUỔI XANH”
27/03/2017
LỜI TỰA
Tháng ba lại về trong sức sống căng nồng của đất trời mùa xuân, và ta hiểu rằng không phải ngẫu nhiên khi tuổi trẻ và mùa xuân lại có mối tương giao đặc biệt đến vậy… Tháng ba về gọi dậy trong lồng ngực tuổi trẻ bao thổn thức, mê say; bao nhiệt huyết, khát khao… Có nhiều cách khác nhau để gọi cho tháng ba này, nhưng đối với những trái tim của tuổi trẻ thì dường như cái tên “Tháng Thanh niên” vẫn là cái tên trọn vẹn nhất…
Chắc hẳn không phải bàn nhiều vì sao gọi là Tháng Thanh niên, nó bắt nguồn từ đâu, lúc nào… người ta có thể biết được câu trả lời ấy qua những màu áo xanh, qua những hành động thiết thực mỗi ngày mà tuổi trẻ đang dâng hiến cho đời bằng sức trẻ, bằng niềm yêu bất diệt với con người, với đất nước, quê hương…
Tháng Thanh niên đã bắt đầu, còn chờ gì nữa mà không thổi bùng lên ngọn lửa của nhiệt huyết, đốt cháy lên ngọn lửa của khát khao đương chảy trong tim. Cùng với tuổi trẻ của cả nước tuổi trẻ Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn đang góp thêm những câu chuyện đẹp về tinh thần xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng hôm nay. Hãy để mỗi tháng trôi qua đều là Tháng Thanh niên và mỗi ngày trôi qua đều là ngày của sức trẻ, để ta mãi tự hào về một “Hành khúc tuổi xanh”. Và xin lưu lại đây một chút gì của tuổi trẻ hôm nay…
Hà Thị Thu Hiền
ĐOÀN THANH NIÊN TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC DÂN TỘC SẦM SƠN THI ĐUA HỌC TẬP, RÈN LUYỆN HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 86 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẠI HỘI ĐOÀN TRƯỜNG LẦN THỨ VI, NHIỆM KỲ 2017 – 2019
ThS. Lê Văn Sơn Bí thư Đoàn trường
Hướng tới kỉ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2017) và Đại hội Đoàn trường lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2019. Ngay sau khi kết thúc cao điểm của chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2016 BCH Đoàn trường đã chủ động xây dựng, triển khai chương trình năm học 2016 – 2017: Tiến hành Đại hội chi đoàn cán bộ giảng viên nhiệm kỳ 2016 – 2017 tiến tới Đại hội Đoàn trường lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2019. Các hoạt động chào mừng được triển khai đồng bộ trong khối cán bộ giảng viên, tổ chức dọn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong, ngoài nhà trường và trên các tuyến phố Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Thanh Niên, giao lưu bóng đá chào mừng giữa đội giảng viên và đội hành chính. Tổ chức đón tiếp đoàn viên học sinh dự bị đại học khóa 14 nhập học là người dân tộc thiểu số thuộc 9 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Phối hợp với các đơn vị Phòng, Ban trong nhà trường tổ chức tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tuyên truyền về luật an toàn giao thông, công tác an ninh trật tự, quyền và nghĩa vụ của người học sinh, người đoàn viên thanh niên, triển khai chương trình hoạt động đoàn và phong trào thanh niên năm học 2016 – 2017. Tiến hành thành lập lâm thời các chi đoàn học sinh dự bị đại học, đội an ninh xung kích, đội thanh niên tình nguyện, đảm bảo an ninh khu nội trú và hoạt động thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh được diễn ra thường xuyên, hiệu quả. Tổ chức phát đồ dùng sinh hoạt do học sinh dự bị đại học khóa 13 trao tặng cho học sinh dự bị đại học nghèo khóa 14. Xây dựng kế hoạch và triển khai giải bóng chuyền nam, nữ chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tạo sân chơi cho cán bộ giảng viên và học sinh, rèn luyện sức khỏe, giao lưu học hỏi, tạo mối đoàn kết trong sinh hoạt, học tập.
Phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tổ chức Hội thi “Tiếng hát học sinh” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Với nhiều tiết mục được tập luyện, dàn dựng công phu, đa dạng hình thức và trang phục đẹp, với lời ca, tiếng hát ca ngợi thầy cô, mái trường, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo bầu không khí hào hứng và phấn khởi cho thầy cô giáo cùng các em học sinh trong toàn trường. Thông qua hội thi Ban Chấp hành đoàn trường lựa chọn nhân tố tiêu biểu cho đội Tuyên truyền ca khúc cách mạng.
Để tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên hiểu biết thêm về luật giao thông đường bộ và lái xe an toàn. Đoàn trường phối hợp với Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải đào tạo và cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho hơn 200 đoàn viên. Công tác giáo dục truyền thống được chú trọng triển khai, ôn lại truyền thống ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội quốc phòng toàn dân. Phối hợp với hội Cựu chiến binh nhà trường phát động phong trào “Phòng ở văn hóa”, hướng dẫn kỹ năng sử dụng đồ dùng trang thiết bị ký túc xá, kỹ năng sống tập thể.Đoàn viên thanh niên tham gia có hiệu quả hoạt động ngoại khóa Tiếng Anh với chủ đề “Shopping”, “Liên môn Văn, Sử, Địa” và Hội thi “Sắc màu Toán học” do hai Tổ chuyên môn tổ chức, là sân chơi bổ ích giúp đoàn viên thanh niên, trao dồi, kiến thức, kỹ năng, đồng thời khơi dậy niềm đam mê, yêu thích các môn học. Tổ chức hoạt động chào xuân Đinh Dậu năm 2017, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, giúp đoàn viên thanh niên tìm hiểu, giao lưu và học hỏi về truyền thống Tết cổ truyền, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Đoàn trường phối hợp với Hội chữ thập đỏ, Công đoàn trường trao 48 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó và cán bộ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 18,5 triệu đồng.Triển khai Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đoàn viên thanh niên, cho đăng ký việc làm theo, cụ thể cho từng đối tượng gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể là giảng dạy và học tập.Với khí thế tưng bừng của tuổi trẻ của cả nước nói chung tuổi trẻ Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn nhiệt tình, sôi sục chuẩn bị hoạt động Tháng Thanh niên năm 2017, chào mừng 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và Đại hội Đoàn trường lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2019. Mở đầu là hoạt động ra quân Tháng Thanh niên, tổ chức dọn vệ sinh môi trường, trên các tuyến phố Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Thanh Niên, đăng ký công trình Thanh niên, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường. Triển khai kế hoạch làm nội san Hương rừng chủ đề “Hành khúc tuổi xanh”. Phối hợp với Công đoàn trường tổ chức Hội thi “Nữ công gia chánh” dành cho nữ cán bộ giảng viên, công nhân viên và hội thi “Cắm hoa nghệ thuật” dành cho nữ sinh, tạo sân chơi bổ ích, không khí sôi nổi chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Việc quan tâm đào tạo, dưỡng độ ngũ cán bộ đoàn được chú trọng, triển khai có hiệu quả, tiến hành xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn cho 168 cán bộ đoàn chủ chốt thuộc các Chi đoàn, Câu lạc bộ, Đội trực thuộc vào ngày 18, 19, 20/3/2017.
Tổ chức mít tinh, ôn lại truyền thống vẻ vang 86 năm ngày thành lập Đoàn và chào mừng Đại hội đoàn trường, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại vào ngày 20/3/2017.
Với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt và đoàn viên thanh niên trong toàn trường, những hoạt động cao điểm, thi đua lập thành tích chào mừng 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đại hội Đoàn trường lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2019 hiệu quả, thiết thực, đã khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn trong Nhà trường. Đó là niềm tự hào mà lớp lớp đoàn viên thanh niên nhà trường đã đang ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện phát triển tổ chức Đoàn góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh.
SỨ MỆNH CỦA TUỔI TRẺ
ThS. Phạm Thị Phượng
Chi đoàn Xã hội
Tháng ba về – tháng Thanh niên – tháng của nhiệt huyết, hoài bão, tháng của những khát khao cống hiến và hành động. Tháng 3 lại một lần nữa nhắc nhớ mỗi người về sứ mệnh của tuổi trẻ.
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Trong thời chiến, những người con của đất nước đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình – cái tuổi 20 đầy ước mơ ấy – cho Tổ quốc với lý tưởng sống thật cao đẹp và thánh thiện:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc?
(Trường ca “Những người đi tới biển” – Thanh Thảo)
Để có những ngày không tiếng súng, họ đã hiến dâng tất cả cho Tổ quốc
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường Chỉ để lại cái dáng – đứng – Việt – Nam tạc vào thế kỷ: Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
Thế hệ thanh niên chúng ta, may mắn được sinh ra và lớn lên trong hoà bình, chỉ biết đến chiến tranh qua lời kể của cha mẹ, ông bà, qua những trang sách, những phim tư liệu lịch sử… song chúng ta là kỳ vọng của đất nước trong tương lai. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Lời dạy của bác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước.
Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Đất nước ta hiện nay đã không còn những khói lửa, bom đạn của chiến tranh, mà thay vào đó là bầu trời xanh của hòa bình, của độc lập, tự do. Thời thời kì yên bình này, thì trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam, và nhất là của mỗi con người trẻ tuổi đã không còn chỉ là bảo vệ đất nước, mà là bảo vệ và xây dựng nước nhà giàu đẹp
Trước tiên thế hệ trẻ phải xác định tư tưởng, tình cảm, lí tưởng sống của mình: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc; lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ Quốc cần.
Thời đại ngày nay, xu thế toàn cầu là xu thế hội nhập, khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ cao, vậy thế hệ trẻ cần phải học tập tích lũy tri thức để góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của quốc tế. Đồng thời thanh niên cũng cần quan tâm theo dõi đến tình hình chung của đất nước, tỉnh táo trước hành động của mình không bị kẻ xấu lợi dụng.
Như vậy, xây dựng và bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của thanh niên nói riêng và của mỗi con người Việt Nam nói chung. Nhưng hiện nay, một bộ phận lớn thanh niên lại không suy nghĩ được như thế. Họ sống hờ hững với những gì diễn ra xung quanh, sống theo quan niệm: “Được đến đâu thì hay đến đó”, “Nước đến chân mới nhảy”. Tuổi trẻ ngày nay có nhiều thời gian cho học tập, giải trí, nhưng không ít bạn dùng thời gian vào những việc vô bổ. Phải chăng tuổi trẻ ngày nay khi đã được đáp ứng quá đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần thì dần trở nên ích kỷ hơn, chỉ biết nghĩ cho riêng mình.Và mục tiêu của phần lớn các bạn trẻ ngày nay là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội; kiếm thật nhiều tiền để có thể thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống của riêng mình.Trong khi rất nhiều người đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn thì lại không ít người lại tỏ ra rất hờ hững với những gì đang diễn ra quanh mình. Hiện nay không ít bạn trẻ đắm chìm trong Game online, Facebook và thế giới ảo mà quên đi nhiệm vụ học tập, sống xa rời thực tế. Trên thực tế, không ít bạn trẻ chỉ lo vun vén cho bản thân mà quên đi nghĩa vụ đối với đất nước, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tất cả những bạn thanh niên có lối sống như thế đều đáng phê phán.
Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc sống của mỗi con người, là lứa tuổi ôm ấp nhiều hoài bão nhất, nó ghi lại dấu ấn của một thời sống nhiệt huyết, sống say mê với lí tưởng. Đó là lứa tuổi mà mỗi con người mỗi khi nhắc lại đều cảm thấy tươi đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Có ai đó đã nói một câu rất hay rằng: Tuổi trẻ giống như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa. Nhưng tuổi trẻ cũng vô cùng ngắn ngủi nếu không ý thức được điều đó, chúng ta sẽ lãng phí khoảng thời gian đẹp đẽ này. Vì vậy khi đang còn trẻ chúng ta hãy sống nhiệt huyết, sống hết mình để không cảm thấy hối tiếc, để không sống hoài, sống phí mỗi phút giây ngắn ngủi của tuổi trẻ.
TUỔI TRẺ VÀ NHỮNG MÙA HÈ XANH
ThS. Nguyễn Xuân Hòa
Phó BT Đoàn Trường
“Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre. Mùa hè xanh xôn xao bước chân ta về. Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê. Ngoài bờ đê có con trâu già nằm ngủ mê…”. Giai điệu tình nguyện rộn ràng ấy đã làm nức lòng bao bạn trẻ. Nó gợi cho ta bao suy ngẫm về phong trào thanh niên tình nguyện tham gia vào chiến dịch “Mùa hè xanh” do Tỉnh Đoàn Thanh Hoá phát động với tinh thần “Đâu cần thành niên có, đâu khó có thanh niên”…
Khi trên những tán lá xanh um, những chùm phượng vĩ nhóm lên những đóm lửa đầu tiên, những chú ve ngân lên khúc đồng ca của mùa hè thì cũng là lúc một “Mùa hè xanh” lại bắt đầu. “Mùa hè xanh” là một chiến dịch tình nguyện của thanh niên do Tỉnh Đoàn Thanh Hoá phát động. Giờ đây màu áo xanh tình nguyện đã tràn ngập khắp các nẻo đường của mọi miền Tổ quốc. Và cứ thế, mỗi khi hè sang, sau những tháng ngày miệt mài bên trang sách, bộn bề trong công việc, những thanh niên tình nguyên lại hào hứng đăng kí tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với hành trang là chiếc ba lô, là mũ tai bèo, áo xanh tình nguyện, với những món quà nho nhỏ như sách vở, mì tôm, quần áo cũ… những thanh niên tình nguyện đã đến những vùng đâu, vùng xa để thực hiện lí tuởng, khát vọng được cống hiến, được đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ mọi người. Bằng sức mạnh của tinh thần tình nguyện, bằng khát khao cống hiến của những trái tim đầy nhiệt huyết, phong trào tình nguyện “Mùa hè xanh” đã lan rộng, phổ biến, ảnh huởng sâu sắc đến xã hội và tạo sức cộng hưởng rộng rãi.
Còn nhớ, hơn 30 năm trước, những thanh niên yêu nước đã khoác lên mình màuáo xanh, chiếc ba lô, đồng lòng vượt bão táp của bom đạn khói lửa chiến tranh, đưa mùa xuân về cho thế hệ trẻ hôm nay. Chiến tranh qua đi, những lớp thanh niên khác lại lên đường dựng xây đất nước. Và hôm nay, màu áo xanh lại theo những thanh niên tình nguyện đến mọi nẻo đường đất nước trong chiến dịch “Mùa hè xanh”, cùng thắp lên màu xanh hi vọng màu xanh cho những ngày qua, cho hôm nay và cho cả mai sau.
Như chúng ta vẫn biết, tình nguyện là những hành động không đặt ra lợi ích vật chất hay mang lợi ích cá nhân mà nó được làm bằng tinh thần tự nguyện và đem lại lợi ích cho cộng đồng, mang tính cộng đồng. Là một chiến dịch tình nguyện, mục đích của “Mùa hè xanh” là vô cùng tốt đẹp, giúp cho người dân bản làng gặp nhiều khó khăn và giúp cho học sinh, thanh niên đến với những miền quê, sống chung với người dân lao động, giúp đỡ em nhỏ học chữ, chữa bệnh cho người nghèo, tuyên truyền phổ biến luật, xây dựng các công trình đại đoàn kết như xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng… hay đơn giản là lợp lại mái nhà tranh xiêu vẹo cho những người dân nghèo, thăm nom những cụ già neo đơn không nơi nương tựa… Là những thanh niên tình nguyện họ đã ra đi với mục đích tốt đẹp: “Đi để chia sẻ, đi để được cổng hiến, để được khẳng định và được trưởng thành hơn”. Họ đã lên đường và luôn luôn ý thức được những suy nghĩ và hành động của mình bời trong tim họ luôn tâm niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đúng như lời thơ Tố Hữu đã từng viết:
Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Con người sống trong xã hội đâu phải chỉ biết hưởng thụ mà còn phải biết cống hiến. Chính vì thế, đến với chiến dịch “Mùa hè xanh” ai cũng như ai, không vụ lợi, không đặt điều kiện, không có mục đích kinh tế hay lợi ích cá nhân mà chỉ đơn giản là để cống hiến, để mang niềm vui đến cho mọi người. Chẳng thế mà, dưới cái nắng oi ả, cạnh bãi rác và những con kênh nặng mùi, các thanh niên tình nguyện vẫn sôi nổi cười nói, hăng hái dọn rác dù mồ hôi đẫm chiếc áo xanh tình nguyện.
Chẳng thế mà, trong cái gió Lào rát bỏng, những thanh niên tình nguyện vần vui vẻ lao động bên những đồng bào dân tộc thiểu số trên những cánh đồng chói chang, giúp đỡ họ, chỉ dẫn cho họ cách trồng trọt canh tác có năng suất.
Chẳng thế mà, những thanh niên tình nguyện lại lặn lội trèo đèo, lội suối đến những bản làng xa xôi hẻo lánh nơi vùng cao để truyền cái chữ cho con em dân tộc. Họ có được niềm vui khi được gọi là thầy, là cô, là những chiến sĩ tình nguyện của thời đại mới. Và cũng để khi mùa tình nguyện kết thúc, những cuộc chia li lại nghẹn ngào trong nước mắt, đầy quyến luyến với bao lời hẹn ước mùa sau gặp lại. Họ đã làm cho dân thương quý, tin yêu.
Và không khí hừng hực đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ ấy đã hơn một lần được thắp lên bởi chương trình tình nguyện. Những gương mặt đen sạm vì cháy náng nhưng ánh mắt nụ cười vẫn tươi cùng ngọn lửa đầy nhiệt huyết của tinh thần tình nguyện. Những áo xanh tình nguyện toả đi khắp mọi miền của Tổ quốc, bằng những chương trình hành động khác nhau đã giúp đỡ biết bao người. Và dường như trong vòng một tuần “Mùa hè xanh”, mọi nẻo đường đều in dấu chân tình nguyện của các thanh niên.
Với truyền thống của tinh thần tình nguyện, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” là chủ đề mà Tỉnh Đoàn Thanh Hoá phát động cho chiến dịch tình nguyện hè vừa qua. Với chủ đề đó “mỗi đoàn viên thanh niên một ngày tình nguyện, mỗi chi đoàn một địa chỉ tình nguyện, mỗi đoàn cơ sở một chương trình, phần việc tình nguyện”, chiến dịch “Mùa hè xanh” này đã thành công và đạt được những thành quả đáng ca ngợi. Thực sự “Mùa hè xanh” là phong trào đã thu hút được sự chú ý của rất rất nhiều thanh niên trên toàn tỉnh. Những hành động đó càng chứng tỏ sức lan rộng của chiến dịch và càng khẳng định vai trò cũng như tác dụng to lớn của “Mùa hè xanh” với cộng đồng.
Nhưng bên cạnh những thanh niên tích cực tham gia chiến dịch mùa hè xanh, chúng ta cũng cần phê phán một bộ phận thanh niên sống không có lí tưởng, không có mục đích, sa vào các tệ nạn xã hội hay coi đi tình nguyện là một cuộc vui, là một chuyến du lịch. Thật buồn khi trong những “Mùa hè xanh” vẫn còn những thanh niên “tình nguyện” mải chơi. Ta cũng thật chua xót khi có những thanh niên đang làm xấu đi hình ảnh của những chiến sĩ tình nguyện bằng những hành động thiếu nghiêm túc như đánh bạc, trộm cắp… Để rồi mùa sau gặp lại những người dân lại chau mày “Sao các cô các cậu cứ về đây mãi vậy?”…
Tham gia “Mùa hè xanh” là một công việc rất có ý nghĩa. Đi nhiều để có cơ hội giúp đỡ những người khó khăn, được chia sẻ, được mở mang hiểu biết, để cảm nhận những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào ta. Đi tình nguyên để thấy mình trưởng thành hơn, để cảm nhận sự ấm áp của tình đồng đội và hơn hết, đi tình nguyện là để thêm yêu Tổ quốc mình hơn. Đi tình nguyện ta đã nhận được nhiều, nhiều lắm những bài học trong cuộc sống, nhiều hơn những gì ta đã đóng góp và lao động trong những chuyến đi này.
Hạnh phúc của mình là làm cho người khác được hạnh phúc – đó là phương châm của tinh thần tình nguyện “Mùa hè xanh”. Hãy đi, hãy làm, hãy sống hết mình để hiểu điều ấy bởi chúng ta đang có những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, những năm tháng tuổi trẻ để nghe tinh thần tình nguyện dào dạt trong tim.
Với những con người ấy, mang niềm vui đến cho mọi người cũng đồng nghĩa với việc tạo ra niềm vui cho chính mình. Đó là lí tưởng, là lẽ sống của một thế hệ thanh niên sống tích cực. Tôi nhớ lời của một bài hát: “Lên rừng xuống biển, tuổi thanh xuân như chim tung bay đến núi rừng hay hải đảo xa. Một trái tim tình nguyện, một dòng máu quê hương, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên. Nôi vòng tay lớn, Bắc – Trung – Nam anh em một nhà. Nối vòng tay lớn cuộc hành trình tuổi xuân chúng tư…”.
“Mùa hè xanh” đã làm được điều đó, đã gắn kết mọi người lại và tạo “hành trình nối vòng tay lớn”. Những thanh niên của “Mùa hè xanh” đã đặt chân đến những miền đất mới với một tâm trạng háo hức và họ tạo thành dòng thác “Mùa hè xanh” trên khắp các nẻo đường thôn xóm, các bản làng.
ĐOÀN THANH NIÊN – SỨC MẠNH CỦA TUỔI TRẺ
Ths.Nguyễn Duy Hải
Phó BT Đoàn Trường
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu – Người sáng lập Đảng ta và tổ chức ra Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã dạy: “Thanh niên là rường cột của nước nhà”, “Người chủ tương lai của đất nước”, “là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”. Bằng trách nhiệm và tình cảm với thanh niên, Bác đã dành thời gian, công sức chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ thanh niên cách mạng cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị rộng lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong suốt 86 năm qua luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đạp bằng mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó với niềm tin yêu sâu sắc nhất.
Tám mươi sáu mùa xuân qua đi, một chặng đường dài với bao chiến công mà lịch sử còn ghi, Đoàn Thanh niên đã khẳng định một vị thế lớn lao trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Vẫn vang mãi ngàn năm câu nói bất hủ của người thanh niên Cộng sản Lý Tự Trọng trong Cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh – cuộc thử lửa đầu tiên của lớp Đoàn viên thanh niên đất Việt: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác”. Câu nói ấy, khẩu khí ấy đã trở thành phương châm hành động của tuổi trẻ Việt Nam, để rồi lớp lớp thanh niên lên đường ra trận : “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”,và “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Muôn vàn thanh niên bình dị của đất nước đã quên mình vì nghĩa lớn. Tuổi hai mươi của họ như vần thơ của nhà thơ Thanh Thảo trong bản trường ca “Những người đi tới biển” đã viết :
Tuổi hai mươi ai mà chẳng tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc
Bước vào thời kỳ mới hôm nay, tuổi trẻ Việt Nam vẫn hành quân theo bước chân của những anh hùng, vẫn hành quân theo lời dạy thiêng liêng của Bác, vẫn tiếp bước cha anh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên đất nước của chúng ta dẫu không mảnh đất nào còn khói lửa chiến tranh, nhưng các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình” với những phương thức, thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt, nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hơn bao giờ hết mỗi đoàn viên thanh niên chúng ta cần phát huy truyền thống yêu nước để giữ gìn thành quả mà cha ông ta đã đánh đổi bằng máu và nước mắt.
Trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, thanh niên (TN) luôn được xem là rường cột của nước nhà, là lực lượng xung kích trong các cuộc đấu tranh sinh tồn, cũng như trong các cuộc đấu tranh cách mạng. Trong sự nghiệp đổi mới, lực lượng TN và công tác TN càng trở lên quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược. Đảng đã khẳng định: sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường XHCN hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng TN, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ TN; công tác TN là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là điều kiện và là cơ hội tốt để tuổi trẻ phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước, vươn lên khẳng định mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, trong điều kiện mới cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện lý tưởng và hoàn thiện nhân cách, nhất là những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; những âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công mạnh mẽ vào thế hệ trẻ, nhằm phá hoại lực lượng hùng hậu của cách mạng. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp hiện nay đặt ra cho thanh niên Việt Nam những yêu cầu cao về bản lĩnh. Bản lĩnh mà người thanh niên Việt Nam hiện nay cần phải xây dựng là một tập hợp nhiều đức tính trong đó quan trọng nhất là dám nghĩ, dám nói, dám làm theo quan niệm mà mình tin là đúng; có tính độc lập cao, không ỷ lại không dựa dẫm vào người khác;không cầu an, không ngại khó, không chùn bước trước những trở lực; có chí lớn, dám chấp nhận mạo hiểm để đạt tới mục tiêu đã chọn; đầu óc khoáng đạt, cởi mở với cái mới, không bảo thủ cố chấp, cũng không tủn mủn hẹp hòi…
Thời gian là một người đoàn viên, tuy không phải là dài, nhưng cũng không phải ngắn, đó là một thời gian đẹp đẽ của một đời người, thời gian mà chúng ta có nhiều hoài bão, ước mơ, muốn được hi sinh, được cống hiến và trưởng thành. khi đã đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bạn sẽ thấy ta nhận được nhiều hơn cho đi. Nhờ những hoạt động sôi nổi bổ ích do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sẽ khiến ta không còn nhút nhát, e sợ nữa mà trở nên mạnh dạn, hoạt bát, kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức của chúng ta sẽ được trau dồi, phát triển. Tổ chức Đoàn luôn tổ chức những hoạt động vui chơi sôi nổi phù hợp với tuổi thanh niên mà còn tạo ra những hoạt động hết sức bổ ích tạo điều kiện để các bạn trẻ đóng góp phần công sức nhỏ bé của mỗi người vào sự nghiệp chung của cả đất nước. Các phong trào như “Giúp sức mùa thi”, với hàng ngàn gia đình cho con đi thi đại học không còn là điều quá khó khăn, với hàng ngàn bạn sinh viên bước chân vào cổng trường đại học mơ ước không còn là chuyện quá xa vời nữa. Hoạt động “đền ơn đáp nghĩa và tri ân các anh hùng liệt sỹ” nhằm tưởng nhớ tới công lao của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, những người con mang trên mình những vết sẹo chiến tranh để chúng ta có được ngày hôm nay. Phong trào “thanh niên tình nguyện” đã thổi bùng ngọn lửa của tuổi thanh xuân, thôi thúc các thế hệ thanh niên đến với những miền núi,vùng cao thân yêu, những hải đảo xa xôi… Những ngôi nhà tình nghĩa mọc lên, những cây cầu chan chứa yêu thương nối liền đôi bờ xa cách, những người dân nơi vùng sâu, vùng xa được khám chữa bệnh bằng tất cả tấm lòng của những thầy thuốc trẻ,…Để rồi từ đó, những cái bắt tay ấm áp, những ánh mắt nồng hậu, những nụ cười tươi vui của người dân mộc mạc dành cho màu áo xanh tình nguyện lại chính là nguồn sức mạnh để thôi thúc mỗi đoàn viên thanh niên, để thổi lên ngọn lửa cống hiến trong trái tim mỗi Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Là một người đoàn viên, là một cán bộ đoàn chúng ta hãy sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn, yêu thương con người hơn, biết chia sẻ, đồng cảm với những hoàn cảnh không may. Đến với tổ chức Đoàn là đến với những bài học nhân văn về con người, đến với những bài học sâu sắc về lý tưởng Cách mạng, đến với những bài học giản dị về quê hương đất nước, đến với những bài học về truyền thống và văn hóa dân tộc, tình yêu dành cho Đất mẹ, lý tưởng cho một xã hội công bằng văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ ràng hơn cho những thanh niên sống dưới ngọn cờ cách mạng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Ở một thời điểm nào đó đối với mỗi đoàn viên, tổ chức Đoàn sẽ cho ta trưởng thành. Khi rời xa tổ chức Đoàn, chắc hẳn sẽ để lại cho ta nhiều cảm xúc, nhiều nỗi niềm mà lớn nhất là sự tiếc nuối bởi niềm đam mê vẫn còn cháy bỏng… và chắc chắn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ phải ân hận vì đã sống hoài, sống phí những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Chặng đường ta đã đi sẽ mãi là một quãng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người. Nhiều kỷ niệm, nhiều ước mơ, hoài bão mà ta sẽ tiếp tục trên những chặng đường mới với nhiều chông gai và thử thách hơn, nhưng có hề chi, vì chúng ta đã được tôi rèn.
TUỔI TRẺ TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC DÂN TỘC SẦM SƠN HỌC TẬP THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Phượng
UV. BCH Đoàn trường
Bác Hồ đã từng nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” (19/11/1955)
Ngày nay, khác với thời thanh niên của Bác và của các thế hệ ông cha, tuổi trẻ chúng ta vô cùng hạnh phúc được sinh ra và lớn lên khi lý tưởng vinh quang của Đảng đã và đang không ngừng trở thành hiện thực ngời sáng trong mỗi trái tim, trong mỗi cuộc đời. Tổ quốc đã độc lập, thống nhất, đồng bào đã tự do và đang vươn tới những chân trời sáng lạn, thực hiện bằng được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tương lai, tiền đồ rạng rỡ của tuổi trẻ đều bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên Việt Nam hãy soi mình trong tấm gương sáng và thực hiện xuất sắc những lời dạy cao quý của Bác, sống có lý tưởng, ôm ấp những hoài bão lớn lao, sẵn sàng cống hiến, hy sinh tinh thần và nghị lực, trí tuệ và tài năng vì Tổ quốc vinh quang của Bác Hồ, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vượt lên trên những đòi hỏi nhỏ nhen, ước vọng tầm thường, quyết tâm lập nên những sự tích anh hùng, những chiến công kỳ diệu.
Tuổi trẻ chúng ta hôm nay sinh ra không một lần được gặp Bác Hồ nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác mãi mãi khắc ghi trong trái tim tôi với sự ngưỡng mộ tôn kính và lòng biết ơn vô hạn.
Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không phải chịu đựng sự đau thương của cảnh “nước mất nhà tan” của kiếp “nô lệ” khổ nhục, chịu sự đô hộ cướp bóc của bọn thực dân phong kiến và chứng kiến những hy sinh, mất mát mà lớp cha anh đã phải trải qua vì độc lập tự do của dân tộc… tuổi trẻ chúng tôi hiểu rằng hạnh phúc ngày hôm nay được tiếp nối bằng truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, bằng những bước đi trên con đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (1911), bằng bao xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh quên thân mình để bảo vệ, giữ chặc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, các anh đã làm lên những chiến công lừng lẫy, đập tan ách đô hộ và chiếm đóng của đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đem lại hoà bình, độc lập, tự do cho đất nước…
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó, thế hệ đoàn viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn chúng tôi đang tiếp bước cha anh đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc Năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang làm khuynh đảo nhiều giá trị cao đẹp của đời sống xã hội, có một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, làm nghèo đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng không ít đến tư tưởng của lớp trẻ. Nhưng lớp trẻ chúng tôi luôn hướng tới tương lai, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước và học hỏi gương các bậc tiền nhân từ đó ra sức phấn đấu, học tập và rèn luyện vượt qua các cạm bẫy tiêu cực để cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh chủ yếu là học tập lòng yêu nước, thương dân bao la của Bác, là làm theo lời Bác dạy: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”; “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”; “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng… Đức phải có trước tài”; “cũng như sông thì có nguồn mới có nước. Không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân…”. Vì vậy, cần phải nghiêm túc phê và tự phê bình, kiên quyết chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, để xây dựng bằng được nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, hết lòng vì dân, vì nước, nói phải đi đôi với làm; phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng. Trong xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế hiện nay, việc học tập đạo đức và lối sống của Bác phải càng được coi trọng và đẩy mạnh thực hiện.
Là những đoàn viên trẻ, nguồn nhân lực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước cần phải có những ý tưởng, sáng kiến làm theo lời Bác gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc. Nếu không làm được điều này thì chỉ là hô khẩu hiệu suông. Để góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi nhận thấy nên đặc biệt quan tâm phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt, việc tốt, nét đẹp đời thường, nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày, để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Trong Cuộc vận động nên coi việc rèn luyện đạo đức cách mạng là thước đo lòng cao thượng của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Bất kỳ ai có những việc làm tốt thể hiện được đạo đức của người Việt Nam, thì tùy theo mức độ mà biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng.
Học tập tư tưởng của Bác. Với phương châm tuổi trẻ chung sức vì cộng đồng, công tác tình nguyện là một trong hững điểm nổi bật của tuổi trẻ nhà trường. Với tinh thần xung kích, tình nguyện, nhiệt huyết tuổi trẻ. Trong thời gian qua, Đoàn trường đã tham gia có hiệu quả các hoạt động tình nguyện với nhiều nội dung thiết thực do Đoàn cấp trên và BCH Đoàn trường tổ chức. Tổ chức thực hiện chiến dịch “Tình nguyện hè” theo mô hình đồng hương, giới thiệu đoàn viên về tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương trong kì nghỉ hè tại khu vực 7 tỉnh Bắc Trung bộ (Từ tỉnh Ninh Bình đến tỉnh Thừa Thiên Huế), tích cực hăng hái tham gia các chương trình tình nguyện “mùa hè xanh”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” các chương trình từ thiện, quyên góp ủng hộ gia đình chính sách, hiến máu nhân đạo, chương trình lao động công ích bảo vệ môi trường, chiến dịch đến với các đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm giúp họ phần nào về tinh thần và vật chất. Đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái” như Bác Hồ đã dạy “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người” (tháng 9/1962).
Về tinh thần tự học Bác nói: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức” (24/3/1961)
Với đội ngũ Đoàn viên đông đảo. Đoàn trường còn tham gia vào quá trình bồi dưỡng dự bị đại học, hoạt động luôn hướng vào việc tạo điều kiện và hỗ trợ cho ĐVTN hòa thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập và NCKH. Xác định cho ĐVTN thấy rõ nhiệm vụ chính của mình là giải dạy và học tập, từ đó mỗi đoàn viên luôn xây dựng ý thức tự học, tự bồi dưỡng… học ở trường, ở lớp, ở bạn bè, đồng nghiệp và quan trọng là ở chính bản thân mình.Trong các buổi học tập ngoại khóa về chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, Đoàn trường luôn lấy tấm gương tự học của Bác cho đoàn viên noi theo, từ đó tạo cho đoàn viên tinh thần tự giác học tập, ham học hỏi và có ý thức tổ chức kỉ luật tốt. Đoàn viên thanh niên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn luôn nguyện đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, luôn xứng đáng là lực lượng xung kích, là cánh tay đắc lực của Đảng, đi đầu, tiên phong trong mọi khó khăn, ra sức thi đua học tốt – dạy tốt, lao động tốt, tích cực “tự học và sáng tạo”, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực, “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Từng bước đưa Nhà trường phát triển vững mạnh cả về chất và lượng, xứng đáng là ngôi nhà đáng tin cậy của con em đồng bào các Dân tộc bảy tỉnh Bắc – miền Trung, xứng đáng với sự tin tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Đảng và Nhà nước.
Để xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đoàn trường luôn coi việc thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh từ Chi đoàn đến Đoàn trường là hành động thiết thực xây dựng Đảng. Thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, phát hiện và bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, có năng lực và trí tuệ để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.
Về công tác chính trị, tư tưởng nói “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ” (16/5/1959). Nhận thấy tầm quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng Đoàn trường chú trọng đẩy mạnh việc giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức cho đoàn viên học tập 6 bài lý luận chính trị; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đoàn trường đã tổ chức quán triệt nghị quyết 02 NQ/TWĐTN của BCH TW cho Đoàn về “Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2013 – 2017.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn, tuổi trẻ trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các phong trào xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc; phong trào đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa làm theo lời Bác”. Đẩy mạnh công tác giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, hoài bão cho đoàn viên. Đổi mới nội dung, phương thưc hoạt động, tạo bước chuyển biến về chất lượng tổ chức, nhất là chất lượng tổ chức Đoàn và chất lượng đoàn viên, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cùng Nhà trường hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trong việc bồi dưỡng dự bị đại học cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Bắc Trung bộ.
Thực hiện nội dung Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thế hệ trẻ nói chung và tuổi trẻ trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn nói riêng luôn tự hào là con cháu Bác Hồ, tự hào là công dân Việt Nam từ đó luôn xây dựng trong mình ý chí quyết đánh, quyết thắng, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường; ý chí vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật; ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động và học tập; tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, yêu giống nòi, yêu đồng chí, đồng nghiệp…nên án, đấu tranh những biểu hiện hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào chủ trưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong điều kiện sống thuận lợi với những thời cơ và vận hội đang mở ra trước mắt, tuy nhiên còn không ít khó khăn, song thanh niên chúng tôi yêu Đảng, yêu Bác Hồ và đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào những chủ trương đường lối đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
MÙA HÈ XANH CỦA ĐỘI TÌNH NGUYỆN QUẾ PHONG KHÔNG GÌ NGĂN BƯỚC ĐƯỢC TUỔI TRẺ
ThS. Mai Thị Tuyết Mai
UVBTV Đoàn trường
Khi ve kêu, phượng nở, đó là dấu hiệu của mùa hè đã về. Mùa hè mang đến cái nắng chói chang, cái nắng của nhiệt huyết tuổi trẻ. Với nhiều học sinh, sinh viên, mùa hè là cơ hội để nghỉ ngơi, đi du lịch đó đây sau một năm học tập đầy vất vả và đặc biệt đối với học sinh Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, nghỉ hè là được về nhà, là được nghỉ ngơi sau một năm cật lực để học, để rèn luyện, để lấy cái chữ, nghỉ hè là được tự do sau những ngày sống nội trú tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật ký túc xá, vậy nên nghỉ hè rồi là phải xả hơi, phải đi chơi. Thế nhưng với các chiến sĩ áo xanh tình nguyện, mùa hè là dịp để họ trải nghiệm thực tế, được sống trong tình bạn bè, tình “đồng chí” theo cách gọi thân thương. Được làm việc, lao động, sinh hoạt cùng nhau dưới một mái nhà, được cống hiến sức trẻ cho quê hương, cho những vùng đất mà họ đặt chân đến. Đoàn trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn cứ đến hẹn mỗi độ hè về lại lên kế hoạch cho hoạt động tình nguyện hè với trên dưới hai chục Đội hình tình nguyện đồng hương và một Đội hình tình nguyện chuyên sâu tỏa về các miền vùng núi cao, xa của bảy tỉnh bắc trung bộ để mang đến nụ cười ấm áp và ánh mắt tin yêu vào Đoàn, vào Đảng cho đồng bào dân tộc, miền núi. Hè 2016, Đoàn trường đã thành lập 20 đội hình tình nguyện đồng hương về tham gia tình nguyện ở địa bàn nơi cư trú, các đội hình này hoạt động dựa trên sự hăng hái, tự nguyện, tích cực của các đoàn viên và sự năng động của đội trưởng, đội phó. Riêng Đội tình nguyện chuyên sâu được Đoàn trường trực tiếp chỉ đạo và dẫn quân, có kinh phí, có kế hoạch hoạt động và công tác chuẩn bị chu đáo lại được sự hỗ trợ đắc lực của đơn vị kết nghĩa Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng Tỉnh, nên hoạt động tình nguyện rất hiệu quả. Hè 2016, Đội tình nguyện chuyên sâu của Đoàn trường tham gia các hoạt động tình nguyện tại xã Tam Thanh, Huyện Quan Sơn, Tỉnh Thanh Hóa, trong đợt tình nguyện Đội đã phối hợp với thanh niên Đồn biên phòng Tam Thanh, thanh niên bản tham gia tu sửa và làm mới được 5 km đoạn đường giao thông liên bản cho bà con bản Mò và bản Ngàm trong xã; nạo vét được 3km kênh mương giúp bà con trong bản. Vệ sinh môi trường, làm sạch làng, bản cùng bà con. Tham gia sinh hoạt giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với thanh niên bản tạo tình cảm gắn kết, nghĩa tình giữa nhân dân với đội tình nguyện. Đội cũng đã trao 10 suất quà (300.000 đồng/suất) hỗ trợ cho các gia đình chính sách và học sinh nghèo trong xã Tam Thanh, Quan Sơn, Thanh Hóa, tổ chức làm vệ sinh, chỉnh trang sạch đẹp và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ xã Tam Thanh. Đội cũng thể hiện tấm lòng của đoàn trường với các chiến sỹ bộ đội Đồn Biên Phòng Tam Thanh bằng những món quà tình nghĩa, tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với các chiến sỹ. Những chiến sĩ áo xanh của Đoàn trường vốn dĩ là con em dân tộc nên các em dễ hòa nhập, biết được đồng bào cần gì thiếu gì, biết được phong tục tập quán của nơi mà mình đến do đó mà Đội luôn đạt được kết quả rất tốt. Vì vậy nên hầu như mỗi lần đội tình nguyện chuyên sâu rút quân là một sự quyến luyến vô cùng của bà con dân tộc như thể phải tạm biệt người thân. Còn hai mươi đội hình tình nguyện đồng hương về các huyện đoàn địa phương nhận nhiệm vụ, bằng sự năng động của tuổi trẻ các đội đã hăng hái nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, nhiều huyện đoàn đã có phản hồi tích cực viết thư cảm ơn, tuy nhiên cũng còn một số đội vì điều kiện khó khăn đã chưa thực sự hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nổi lên trong hai mươi đội tình nguyện đồng hương là Đội tình nguyện huyện Quế Phong, Nghệ An. Được thành lập theo quyết định 108 -QĐ/ĐTN-CMTN ngày 06/5/2016 của BCH Đoàn trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn với không nhiều thành viên (17 thành viên) nhưng lại gồm những gương mặt thật sự ưu tú của Đoàn trường như Vi Văn Thắng Chi đoàn K13A3 đội trưởng, Vi Văn Mão K13D2, Lô Thị Tố Giang K13B7… Hầu như đa số các đoàn viên đều đăng ký đi tình nguyện chuyên sâu, nhưng không được đi vì điều kiện đường xá xa xôi. Đúng thời gian liên hệ huyện đoàn, các thành viên chủ chốt đấu mối nhận nhiệm vụ, các đồng chí huyện đoàn vốn đã hiểu rõ đặc điểm của mô hình đồng hương, không có chỉ đạo trực tiếp, không có kinh phí, phương châm hoạt động là tình nguyện, tự nguyện góp công góp sức, vì vậy các đồng chí rất cởi mở trong việc giao nhiệm vụ: Một là, làm tình nguyện tập trung tại một xã nào đấy khoảng dăm ba ngày, hai là gửi danh sách về từng địa phương sau đó các bạn tự tham gia hoạt động với đoàn xã. Các thành viên trong đội băn khoăn bàn bạc chọn nhiệm vụ: ừ thì phương án hai đơn giản, dễ thực hiện cơ mà tuổi trẻ mà có nên chọn việc nhẹ nhàng, ừ mà chả lẽ cả đội cùng một đoàn trường giờ tách ra liệu nên chăng,… nhưng mà phương án một thì khó khăn lắm đấy, không có kinh phí, rồi khi làm việc gặp các khó khăn như các thầy cô trong đoàn trường đã phân tích thì sao, phải làm thế nào đây, thôi biểu quyết đi, ừ thì biểu quyết… nhưng mà chọn phương án hai thì buồn lắm chả có gì để nói nữa, thôi thống nhất báo cáo về Đoàn trường xin ý kiến. Cô giáo trưởng ban Chuyên môn Tình nguyện vốn đánh giá rất cao các thành viên trong đội nhưng vẫn e dè “Theo cô thì bọn em nên chọn phương án hai vì đi tình nguyện tập trung cần kinh phí và đặc biệt phải có người chịu trách nhiệm của đoàn trường vì vừa rồi có 3 sinh viên trường ngoại thương bị lũ cuốn khi đi tình nguyện ở Quảng Ninh đấy. Vậy nên các em khi nhận nhiệm vụ phải lường được những nguy hiểm và khó khăn để nhận hay từ chối nhé. Tốt nhất là nhận phương án 2 các em nhé, còn sau này là sinh viên rồi thì hãy đi tình nguyện tập trung vì khi ấy có thầy hoặc cô đi cùng, có người chịu trách nhiệm, các tình yêu nhé”. Thay mặt cả đội, bạn Tố Giang nhắn lại:
- Dạ vâng – Bọn em đang bàn bạc với nhau cô ạ.
- Để em nói với các bạn những khó khăn luôn.
- Hi, chào cô ạ.
Sau ba ngày họp thống nhất toàn đội, cô Trưởng ban nhận được báo cáo:
- Nhóm bọn em quyết định tình nguyện tập trung cô ạ.
- Tối ngày 13/7: Giao lưu với đoàn xã tri lễ.
- Ngày 14/7: Kết hợp với đoàn xã làm đường bản Pà khốm – xã Tri Lễ.
- Ngày 15/7: Kết hợp với đoàn xã tu sửa sân vận động xã tri lễ – Ngày 16/7: Kết hợp với chi đoàn trực thuộc thăm hỏi giúp đỡ các gia đình chính sách.
- Tối 16/7: Giao lưu tuyên truyền về vấn đền sức khỏe, giới tính – Ngày 17/7: Kết hợp với chi đoàn trực thuộc lao động dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm.
- Tối ngày 17/7: Giao lưu văn hóa văn nghệ – Ngày 18/7: Kết hợp với chi đoàn trực thuộc thực hiện một số công việc dọn dẹp – Tối 18/8: Tổng kết hoạt động.
- Đó là kế hoạch cô ạ.
- Thực hiện 5 ngày.
Cô giáo dù rất lo lắng nhưng cũng chỉ biết nhắn lại cả đội:
– thế thì hoạt động như tình nguyện chuyên sâu rồi còn gì, nhưng nhớ có khó khăn gì phải liên lạc với cô nhé.
- Hic tốt nhưng cũng chú ý an toàn
- Dạ. Em với bạn Thắng đi liên hệ tại nơi làm tình nguyện rồi cô ạ. Lên huyện đoàn rồi. Giờ chỉ chờ ngày đi nữa thôi ạ
- chúc các em may mắn vui vẻ và thu được nhiều kinh nghiệm thực tế
- Dạ. Em cảm ơn cô.
Vậy là xong công tác nhận nhiệm vụ, các em hăng hái, cô giáo thì lo lắng như ngồi trên đống lửa. Đến ngày cô giáo gọi điện, đội đã tập trung chờ xe, cô hỏi kinh phí thế nào đội trưởng cười trong điện thoại chúng em tự nộp để lấy kinh phí, cô giáo thương trò chảy nước mắt mà cũng thấy vui vui lạ thường, cảm xúc yêu thương thật lạ, đúng, tuổi trẻ là phải như vậy.
Cứ như vậy thông tin cô trò trao đổi nhau, chẳng thấy kêu khó, kêu khổ nhưng cô giáo thương và cảm phục các cô, cậu trò nhỏ huyện Quế Phong lắm, dám quyết tâm chọn khó chọn khổ chẳng vì gì chỉ vì màu xanh tình nguyện, vì lý tưởng của tuổi trẻ.
- Đây nữa cô nhé
- Cô ơi. Ảnh nhiều quá. Cô vào album của em chỗ tình nguyện 2016 á cô nà.
- Ảnh ở đấy hết cô ạ.
Đúng là nhiều ảnh thật, cô giáo bật xem mỏi cả tay, chẳng thấy cái khó khăn, cái nhăn mặt nào cả chỉ thấy cười toe, được cái vất vả nhưng tinh thần tự sướng vẫn cao, cô giáo thấy nhẹ cả lòng. Hỏi có vất vả không, có nhưng mà vui cô ạ, vui lắm cô ơi, học được nhiều cái mới, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn,… Chỉ thấy toàn tin nhắn hoan hỉ chẳng thấy buồn, thấy mệt hay kêu ca gì cả, dù rõ ràng cô giáo biết các em phải khó khăn, vất vả dường nào.
Cô giáo xúc động động viên:
- Toàn mẫu đẹp cả ha.
- Vâng. Hihi.
- Cảnh đẹp người không đẹp cô à.
- Không cô nói mẫu là người ấy chứ.
- Đâu cảnh đẹp thôi cô à.
- Cảnh đó mà không có màu xanh của các em thì không đủ đẹp để được cô khen đâu, hi hi…
- Vâng. Hì hì…
- Cô à, Hôm nay bọn em đi cấy. Với bọn em tuyên truyền về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên. Lấy bao cao su bên dân số kế hoạch hóa gia đinh phát cho thanh niên và hướng dẫn về cách dùng ạ.
- Cô ạ. Hôm nay bọn em chia làm 2 nhóm đi cấy được 2 sào giúp các gia đinh chính sách, chúng em đang còn vụng lắm cô ơi cơ mà cấy cũng đẹp lắm chỉ tội chậm thôi.
- Cô ơi hôm nay làm đường, Đường làm được tầm 1km ở bản Đôn, 3km ở bản Pà khốm.
- Hôm nay bọn em đào mương cô ạ. Đào được tầm 2km đường mương ở bản Hủa na. Tu sửa, phát quang và làm 1 con đường nhỏ tầm 500m bên hông sân vận động xã Tri Lễ. À , Kết hợp với thanh niên trong làng làm cô ạ. Vui lắm cô ơi.
Hôm nay, buổi cuối cùng rồi cô ơi, tiếc tiếc sao ấy vẫn làm việc dọn dẹp chiến trường đấy nhưng dư âm tối giao lưu hôm qua vẫn cảm thấy lưu luyến lắm ạ. Các em kết thúc một đợt tình nguyện, một trải nghiệm thực tế, tự tổ chức, tự bảo nhau làm, tự bảo nhau sinh hoạt, hoàn thành tốt trên cả tốt, không điều tiếng gì mà còn nhận được sự cảm kích của địa phương, Đoàn trường nhận được lời cảm ơn của huyện đoàn Quế Phong, cô giáo còn đọc được bài viết và hình ảnh của trò mình trên trang báo điện tử tỉnh Nghệ An, tự hào lắm thay, thay mặt ban chấp hành đoàn trường cô giáo xin cảm ơn các em, cảm ơn Đội và cảm ơn tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các em lưu luyến tiếc nuối bao nhiêu, cô giáo cũng lưu luyến tiếc nuối bấy nhiêu, lưu luyến các em, tiếc rằng ngày mai đây thôi các em đã không còn hoạt động đoàn với cô giáo nữa nhưng cô giáo cũng tự hào tin rằng với tinh thần ấy, tuổi trẻ ấy, quyết tâm ấy các em sẽ ngày càng bay xa bay cao. Thầm chúc các em luôn luôn giữ vững được nhiệt huyết đó. Cô giáo ngước mắt lên nhìn bầu trời trong xanh và mỉm cười chia tay K13 rồi, tiếp tục công việc để chào đón K14 thôi, cô giáo ơi.
GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM VÀ NHỮNG SUY TƯ…
Ths. Bùi Thị Dung
Chi đoàn Xã hội
“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy, để em đến bên bờ ước mơ ….”. Lời bài hát đưa tôi về một miền nhớ, miền kỉ niệm đong đầy về một người thầy mà tôi hằng kính mến – Thầy Đàm Quang Kế – Giáo viên dạy Ngữ văn THPT Hàm Rồng. Đã bao chuyến đò cập bến, mái tóc thầy có lẽ đã ngả màu vì thời gian, những nếp nhăn trên vừng trán… Tất cả hiển hiện trong kí ức của cô học trò tinh nghịch năm xưa. Thầy đã thổi lên trong em lòng tâm huyết của một người làm nghề giáo. Để rồi đây em được vinh dự nối tiếp nghiệp của thầy. Và rồi như một mối duyên nợ, em về dạy Ngữ văn tại một ngôi trường miền biển – Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn – Một ngôi trường đầy thân thiện và có bề dày thành tích. Giờ em cũng là giáo viên chủ nhiệm như thầy năm xưa. Em thật sự mới hiểu hết nỗi lòng thầy năm ấy. Lũ học trò ngoan có, tinh nghịch có, láu cá có, cá biệt cũng có… Trong lòng thầy bao trăn trở mà trò nào đâu hay. Thầy không chỉ làm người đưa đò mà còn truyền cho trò biết bao bài học làm người, cách ứng xử… để trò dần hoàn thiện nhân cách. Niềm trăn trở của thầy năm xưa giờ lại đến lượt trò tiếp bước. Nhưng thầy ạ! Đây là năm học đặc biệt so với những năm em làm chủ nhiệm trước đó. Vốn dĩ học sinh trường dự bị học tập và rèn luyện một năm rồi các em được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Nhưng năm học này rất nhiều em không muốn đi học theo chỉ tiêu Dự bị, đặc biệt là từ khi có quyết định của Bộ công an: tổ hợp môn Văn – Sử – Địa không được sử dụng để thi tuyển vào khối ngành công an, cảnh sát. Điều này đã làm nảy sinh tâm lý chán nản ở một số đông học sinh. Dù các em chưa thực sự đánh giá đúng năng lực của mình khi quyết định đăng kí thi khối ngành này. Chỉ biết rằng đó là cơ hội cuối cùng để các em tiếp tục học đại học. Bởi các em cho rằng: học các ngành khác khi ra trường sẽ khó lòng xin được việc làm. Thậm chí một số em đã quyết định rẽ sang một khối học và ngành học khác, chỉ chờ hết năm học để các em được đi học theo nguyện vọng cá nhân. Cho nên năm nay làm giáo viên chủ nhiệm phải sát sao với các em hơn, động viên các em tiếp tục theo học. Trong lòng trò bộn bề những suy nghĩ.
Chưa đi học mà đã có tâm lí lo sợ học ngành khác (ngoài khối ngành an ninh, quân sự) không xin được việc nên các em như già nua trước tuổi. Trò lại động viên chúng để chúng tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Có những em đã khóc và suy nghĩ một thời gian dài rồi cuối cùng phải bỏ cuộc trong niềm tiếc nuối. Bởi học thêm môn toán để theo đuổi khối C03 là điều khó khăn để có thể thi đỗ đại học an ninh, cảnh sát như mong muốn của các em. Và trò cũng đã hiểu:
Giáo viên chủ nhiệm lớp như người “bảo mẫu” cho mọi vấn đề phát sinh của lớp từ việc học, chơi, đến việc giao tiếp, ứng xử hay việc vi phạm nội qui… và cả vấn đề đạo đức, nhân cách của các em trong các hoạt động bên trong cũng như ngoài nhà trường.
Trước hết giáo viên chủ nhiệm luôn phải quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Đây là vấn đề quan trọng và nó cũng không đơn giản như trước đây. Hồi trước, học sinh không thuộc bài luôn mang trong mình tâm lý nơm nớp lo sợ mỗi khi giáo viên kiểm tra bài cũ nhưng bây giờ, với các em, câu trả lời “Em không thuộc” thốt ra thật dễ dàng và chẳng ngượng miệng tí nào. Đặc biệt các em đã lớn, việc đưa ra bất kỳ hình thức xử phạt nào cũng đều phải cân nhắc kỹ để tránh những tác động ngược chiều tới tâm lý của các em.
Bên cạnh đó giáo viên chủ nhiệm còn là “nhà tư vấn tâm lí” cho những cô cậu học trò gặp trục trặc trong đời sống sinh hoạt và tình cảm. Phải nhanh nhạy phát hiện mâu thuẫn trong một tập thể lớp, tinh tế nhận ra sự mơ màng của những học sinh bắt đầu biết yêu, kịp thời ngăn chặn mầm bạo lực và làm trung tâm hòa giải mâu thuẫn, xung đột giữa các em. Người giáo viên chủ nhiệm phải nhanh chóng nắm bắt để quán xuyến mọi suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của các em để có cách giáo dục các em tốt hơn.
Hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm còn là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt là nền tảng để học sinh phát triển tốt về nhân cách (ngoại trừ một số trường hợp cá biệt). Nhưng cũng có những gia đình bố mẹ không quan tâm đến con cái, lại có những gia đình bố mẹ không ở cùng nhau vì nhiều lý do nên việc giáo dục con cái có nhiều bất cập. Tìm hiểu gia đình học sinh là một vấn đề không thể thiếu đối với người giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tâm lý cũng như tâm tư nguyện vọng của các em đồng thời phối hợp cùng gia đình, xã hội để cùng nhau giáo dục nhân cách cho các em.
Xin cảm ơn thầy, người đã nhen ngọn lửa để em có được như ngày hôm nay. Cảm ơn Trường Dự bị – cái nôi để tôi có cơ hội phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành như bây giờ cả về nhận thức và tình cảm.
Cuối cùng, chúng tôi, những người giáo viên chủ nhiệm đã, đang và hi vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, sự chung tay hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể trong và ngoài nhà trường cũng như sự đồng cảm, thấu hiểu của phụ huynh và xã hội để cùng nhau giúp những học sinh thân yêu phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách của mình.
DUYÊN NỢ VÙNG CAO
ThS. Cao Thị Hiền
Chi đoàn Xã hội
Mọi sự trong cuộc đời đều có duyên. Mỗi con người trong cuộc đời đều trải qua những khó khăn, thử thách và rồi sẽ tìm được bến đỗ bình yên. Nó tin là thế. Vì hôm nay đây, được làm việc tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, đứng trước không gian giảng đường thoáng mát của ngôi trường nằm ven biển nó thấy ngôi trường này là bến đỗ bình yên nhất. Nó thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc. Hạnh phúc vì được theo công việc mình yêu thích.
Hằng ngày lên lớp nhìn ánh mắt trong veo của học trò, những đôi mắt ngây thơ nhưng đầy ám ảnh. Bởi mỗi lần nhìn vào đôi mắt ấy lại làm nó nhớ về những giọt nước mắt lăn dài của học trò cũ nói trong nghẹn ngào: “Cô ơi! xin cô đừng đi”. Đó là câu chuyện dài về những ngày không thể nào quên khi nó mới ra trường.
Nó sinh ra và lớn lên ở biển.Với nó, những danh từ miền núi, dân tộc nghe thôi đã gợi vẻ rợn rợn, là cả một thế giới khác. Ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp sư phạm, một cô gái lãng mạn, đầy mơ mộng như nó lại được nhận quyết định phân công công tác tại một huyện miền núi. Nó bình thản cầm quyết định rồi chuẩn bị đồ đạc cá nhân lên đường. Trước khi đi, anh trai và mẹ thương mua tặng chiếc điện thoại Sam sung máy gấp để tiện liên lạc. Nó cười sung sướng vì có điện thoại rồi mọi khoảng cách sẽ chẳng là gì, nhớ nhà, nhớ mẹ chỉ cần mở máy sẽ nói chuyện được ngay. Nhưng rồi nụ cười xẹp ngay vì nơi nó dạy đã phủ sóng điện thoại đâu.
Nó nhớ ngày đầu lên trường nhận công tác vào tháng 10 dương lịch. Trời mưa rả rích làm con đường đất đỏ nhầy nhụa, dẻo quánh như người trộn vữa. Từ nhà đến trường gần 90 km. Nhưng “con đường máu lửa” nhất là từ thị trấn vào trường, chỉ 30km nhưng đi xe máy 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Vượt qua 3 con suối, 2 cái cầu tre bắc tạm, và một con suối chẳng có cầu mà phải đi mảng. Lúc đi qua cây cầu đầu tiên nó hú hồn, cắn vào đầu ngón tay để biết mình không mơ và minh đang sống. Tưởng thế là thoát nạn nhưng đi thêm 5km lại thêm một cái cầu. Nó tưởng mình đang tham gia cuộc đua kỳ thú. Thử thách của cây cầu thứ 2 nó đã vượt qua. Phải qua một con suối nữa mới đến trường nhưng lần này thì không có cầu. Nó được hướng dẫn đứng lên 1 cái mảng được làm bằng những cây luồng ghép lại rồicầm sợi dây nối với bờ suối bên kia cứ kéo dần, kéo dần là sang tới nơi. Ơn giời nó không rơi xuống suối.
Tiếp nhận đó là anh hiệu trưởng trẻ tuổi, đẹp trai. Anh nhiệt tình ra tận cổng trường bắt tay chào đón và đưa nó vào văn phòng. Nó vừa ngồi vào ghế cũng là lúc trống ra chơi. Các giáo viên đi xuống xem mặt giáo viên mới. Những ánh mắt nhìn nó dò xét. Nó tưởng nó đang bị bắt trình ma. Nó nghe tiếng thì thào: Chắc lại trả quyết định thôi. Phen này sếp mất 3 con vịt rồi. Thì ra sếp cược với các giáo viên nam là lần này sếp sẽ xin cấp trên cho giáo viên nữ và chắc chắn sẽ ở lại chứ không đào ngũ trả lại quyết định giống những trường hợp trước. Và sự thật các anh đã mất 3 con vịt. Nó đã gắn bó với trường 2 năm. Hai năm biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, tình cảm cô trò, anh em đồng nghiệp, sự gắn bó với đồng bào nơi đây. Để rồi khi về xuôi, gần 10 năm trôi qua kỷ niệm những ngày đầu tiên lập nghiệp làm nó nhớ mãi.
Nó nhớ bữa cơm đầu tiên ở bếp ăn tập đoàn. 18 anh em ngồi quây quần bên bếp ăn lợp mái tranh. Mâm cơm có thịt, canh và đĩa rau rừng luộc. Bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười. Ở miền xuôi, thầy cô chỉ có 1 thời khóa biểu lên lớp thôi nhưng ở đây nó biết đến một thời khóa biểu khác là thời khóa biểu nấu cơm.Cả trường sẽ ăn chung bếp nên lịch nấu cơm sẽ được chia đều cho các thành viên. Ai trực cơm ngày nào sẽ lo dân vận xin rau, xin củi, đun nước pha trà. Trực cơm vất vả nhất là việc múc nước. Mùa khô nước cạn, giếng nước sâu, thả gầu mãi không chạm đáy, kéo đỏ tay được nửa gầu nước. Mùa mưa thì nước đỏ ngầu. Ở đây không có chợ, hàng ngày thịt ở dưới xuôi lên 1 lần. Nếu đặt trước và lấy sớm thì sẽ có thức ăn, nếu không chỉ có đậu phụ và trứng. Hôm nào trong bản có nhà mổ trâu bò thì anh em cũng được một trận tưng bừng. Mỗi lần nó về quê các anh em sẽ có bữa ăn tươi. Cá biển vói anh em tập đoàn là món quà sa sỉ. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ thứ nhưng anh em trong tập đoàn luôn vui vẻ đoàn kết. Tất cả anh em đều xa nhà nên luôn đùm bọc và yêu thương nhau. Căn bếp nguôn tràn ngập tiếng cười. Nơi đây không có chỗ cho sự ích kỷ, lòng đố kị nhỏ nhen. Nó là út ít nên được các anh cưng nựng lắm. Vì thế nó cũng là đứa có nhiều biệt danh nhất. Các chị gọi là em Ỉn, các anh gọi Bé em, học trò thì gọi “cô giáo mờ “ (Cô giáo mới). Nó nhớ những ngày nước giếng cạn, nấu ăn còn chẳng đủ nên để có nước tắm thì phải ra suối tắm hoặc xách nước về. Nó không quen tắm suối nên đem xô ra xách nước. Từ suối về trường qua con dốc, xô nước của nó chỉ còn một phần ba. Các anh nhìn thấy tội nghiệp. Từ bữa đó, hôm nào đi tắm suối về, các anh cũng xách cho nó hai xô đầy.
Trong công tác của giáo viên vùng cao việc đảm bảo ổn định sĩ số lớp vô cùng khó khăn. Vì vậy bên cạnh việc lên lớp các thầy cô phải làm công tác dân vận. Đối với người dân miền núi công tác dân vận phải khéo léo, nhiệt tình. Nếu không thì không thể vận động học sinh đến trường. Mùa gặt, trời mưa rét học sinh sẽ đồng loạt nghỉ học. Việc các cô đi bộ dốc núi, vượt suối đến nhà vận động học sinh đến trường là chuyện thường. Nó nhớ một lần học sinh lớp nó bỏ học. Nhờ học sinh dẫn đường, nó tìm đến nhà học sinh. Nó hỏi học sinh nhà bạn Xuân có xa không? Học sinh bảo gần cô ạ. Thế mà cô trò đi từ lúc tan trường đến khi chờ nhá nhem tối mới đến nơi. Nó thấy thương bọn nhỏ. Trời nắng bụi tung mù, trời mưa đất dính lấy chân. Có xe đạp nhưng không thể đi được bởi đường dốc và gập ghềnh quá. Đến nơi, học sinh chỉ nhà bạn Xuân đấy cô. Nó không tin nổi trước mặt là căn nhà tranh bé xíu nằm cheo leo trên vách núi. Nó chưa biết phải đi lên bằng cách gì thì học trò đã nhanh nhảu trẻ cây nứa làm đóm dẫn đường cho cô đi. Lên đến nhà, nó đứng tim vì nhìn vào trong thấy một bóng người mặc quần áo đen tóc tai rũ rượi đang lẩm bẩm cúng bái nhảy múa. Học sinh trấn an. Bố bạn đấy cô ạ. Bố bạn làm thầy mo, ông đang bắt ma đấy. Ông không cho bạn đi học nữa, bắt nghỉ học đi làm rẫy rồi lấy chồng thôi. Đúng lúc đó thì một bác họ hàng của em Xuân đến mời cô giáo qua nhà bác nói chuyện. Sau khi nghe nó thuyết phục, bác hứa ngày mai sẽ trở lại trường. Đó là thành công đầu trong công tác dân vận của nó.
Những lớp học tranh tre nứa lá, bảng gỗ sơn đen bằng pin đèn. Mùa đông ,gió lùa qua kẽ liếp lạnh tê cóng người. Học sinh đi học trời mưa rét chỉ độc manh áo trắng đã ngã màu, chân trần, tay cầm cành cọ che mưa, đầu tóc ướt sũng, sách vở rách mép. Nó đã thấy hình ảnh đó khi xem phóng sự trên truyền hình về những ngôi trường ở vùng cao. Khi đó nó thấy xa vời quá. Nhưng giờ khi chứng kiến cảnh đó thật quá nó thấy mắt cay xè. Thương các em quá! Nó muốn làm gì đó cho các em. Vậy là nó cùng anh em thanh niên trong trường đã tổ chức cùng học sinh ra suối xúc sỏi bán cho công trình xây đập. Sau một ngày ngâm nước, 10 đầu ngón tay chầy xước nhưng thành quả thu về là hơn 1000 cuốn vở cho các em học sinh. Nó nhờ bạn bè ở nhà gom quần áo cũ rồi phân loại đóng thùng đưa lên trao cho các em. Nhìn học sinh ấm áp, đủ sách vở đến trường , nó thấy ấm lòng.
Ai đã từng ở vùng núi cao cõ lẽ đã cảm nhận được cái lạnh thấu xương khi đêm về. Và bếp lửa chính là người bạn thân thiết nhất. Nó nhớ những buổi tối mùa đông các anh chị em cùng nhau đi vào nhà dân trong bản chơi. Bên bếp lửa, mọi người cùng nhau nạo sắn nấu rượu, giã sắn làm bánh…Với nó món bánh được làm từ những củ sắn sau khi hấp lên, giã nhuyễn, cho thêm đường, nắm lại thành hình tròn tròn rồi cho dầu vào rán thì ngon tuyệt. Ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên được. Cơm lam có lẽ nhiều người đã ăn nhưng thịt gà lam chắc ít người được thưởng thức. Thịt gà sau khi làm sạch, chặt nhỏ ướp gia vị cho vào ống lam. Hái lá đu đủ non nắp hai đầu ống lam lại rồi cho vào bếp củi. Căn đủ thời gian mở ống lam ra. thịt gà ngon ngọt thơm lừng, lá đu đủ ngấm nước thịt gà mất đi vị đắng lại có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời. Đó là món ngon đãi Thầy cô của dân bản. Thầy cô trên này đều trẻ nên có rất nhiều chiêu trò nghịch ngợm. Các anh kể ngày xưa có một ông ăn mày lên đây xin ăn nhưng vì dân nghèo chẳng có gì cho nên chết đói tại ngôi trường. Ông được chôn cất phía sau trường. Thi thoảng khi ngủ mọi người vẫn nghe tiếng xin ăn của ông lão. Nó nghe chuyện, buổi tối đó không dám ló mặt ra khỏi phòng. Sau này thì nó biết đó chỉ là trò đùa của các anh để độc chiếm văn phòng buổi tối. Vì văn phòng là trung tâm văn hóa của trường. Văn phòng được trang bị 1 cái ti vi. Các thầy muốn xem bóng đá, các cô muốn xem phim nên đành dọa thế để các cô nằm im ở phòng, khỏi tranh.
Sự yêu quý của học sinh, tình cảm ấm áp của anh em đồng nghiệp, sự kính trọng của dân bản giúp nó hòa nhập rất nhanh. Nó không còn sợ hững người phụ nữ ăn mặc kì dị, tóc quấn cao, ra suối tắm chẳng biết xấu hổ. Nó bắt đầu hiểu ngôn ngữ người Thái. Nó đã biết từ chối câu “Noọng ơi mấy yểu ai bô” như thế nào. Nó thấy những con đom đóm lấp lánh hai bên bờ suối đẹp như đèn hoa đăng, Những chú bướm xinh xắn đủ sắc màu đậu kín tường trong phòng sau trận mưa đêm như bức tranh 3D chứ không phải là đóm đóm ma, bươm bướm ma như nó từng nghĩ. Nó say mê với đồi hoa sim tím chạy dài tít tắp, mùa quả chín cô trò ăn tím miệng. Nó thích buổi chiều đến ra suối ngồi thả chân xuốn dòng nước, nhìn xa xa khói lam chiều bay ra từ bếp tranh của gia đình người Thái. Cuộc sống bình yên quá!
Cuộc đời luôn có những ngã rẽ, những thay đổi luôn chờ đợi ta phía trước. Sau 2 năm nó được “hạ sơn” về với biển. Chẳng biết có phải còn duyên với vùng cao hay không mà nó được chuyển về công tác tại trường dành cho con em đồng bào dân tộc. Ngôi trường là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây sẽ giúp các em thực hiện ước mơ học tập còn dang dở. Nơi tiếp bước, nuôi dưỡng ước mơ, thắp lửa hi vọng cho học sinh dân tộc. Ngôi trường non trẻ nhưng là điểm đến, là sự lựa chọn tin tưởng, yên tâm của phụ huynh và học sinh miền núi. Với tình thương và trách nhiệm tập thể cán bộ, giáo viên công nhân viên nhà trường luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho các em học tập và rèn luyện. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn. Nó yêu và sẽ gắn bó với ngôi trường nằm trên đất biển quê hương này.
TẢN MẠN NGHỀ GIÁO
ThS. Hà Thị Thu Hiền
UV.BCH Đoàn trường
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không…? Lời ca giản dị ấy, không ít lần ta khẽ hát trên môi để khích lệ, để nâng đỡ, để chắp cánh cho tâm hồn. Có việc tốt nào, có thành quả nào trong cuộc sống của chúng ta mà không xuất phát từ một tấm lòng? Một tấm lòng để yêu, để tâm huyết, để hiến dâng và để hi sinh… Sức mạnh nào đã nâng bước cho bao chàng trai trở thành chiến sĩ, cho bao cô gái thành cô thanh niên xung phong nếu không phải bởi tấm lòng với đất nước, quê hương; động lực nào để cha gánh nặng cuộc đời, mẹ tần tảo hi sinh nếu không phải bởi tấm lòng yêu con bát ngát như biển Thái Bình; thôi thúc nào cho bao nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu miệt mài nếu không phải là lòng nhiệt huyết, đam mê… và lẽ sống nào cho bao nhà giáo gắn bó một đời với phấn trắng, bảng đen nếu không xuất phát từ hai chữ “tấm lòng”, từ mối duyên nợ đặc biệt với người và với nghề…
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi nghề giáo được coi trọng đến vậy. Đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Sự cao quý ấy được dệt nên từ sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng, từ cái tâm, cái tài của người thầy để mang đến cho lớp lớp học trò nguồn tri thức quý giá trong cuộc sống, để thắp lên trong các em ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, của những say mê. Sự cao quý được ươm mầm, được nuôi dưỡng trong lòng biết ơn, trân trọng của những người học trò: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Dẫu có đếm hết sao trời đêm nay, dẫu có đếm hết lá mùa thu rơi nhưng ngàn năm làm sao con đếm hết công ơn người thầy”…
Tôi và những đồng nghiệp của tôi hẳn ai cũng có những phút giây nhìn lại để nghĩ suy về nghề nghiệp, về cái đạo mà ta đã chọn để đi trọn cuộc đời. Ta tự hào bởi đang mang trên mình thiên chức của một nhà giáo, bởi những đóng góp nhỏ bé thầm lặng mỗi ngày. Và niềm vui của chúng tôi cũng được thắp lên từ những điều
thật bình dị. Niềm vui ấy chất chứa khi nhìn thấy ánh mắt trong veo đầy say mê của những người học trò trong mỗi giờ dạy học, ẩn chứa trong cái gật đầu đầy hiểu ý và được dệt nên khi thấy các em tiến bộ mỗi ngày… Và sẽ thất vọng biết bao trước hành vi bất kính của một học trò, đáng buồn biết bao khi các em vi phạm lỗi lầm, khi một con đò lạc dòng… bất chợt ta lại nhớ đến câu hát: một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang…, lại càng thấm thía hơn nỗi “vui mừng của người kỹ sư nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi học sinh đang trưởng thành, lớn lên” (Gôlôbôlin )… Có người đã ví người giáo viên với những người nông dân, và nhà thơ Đoàn Vị Thượng cũng đã có những vần thơ rất hay về sự tương quan ấy:
Các em mở ra những trang sách ruộng đồng Tôi cúi xuống gieo vào hạt chữ
Có giọt mồ hôi và dấu tay mình ấp ủ Lặng thầm nói với mai sau
Mải miết đôi tay đầy bụi phấn trắng phau Như nhà nông bốn mùa lấm láp
Viên phấn tự mất đi để đâm chồi sự thật
Tôi rất thích sự so sánh, liên tưởng đầy thú vị này. Người giáo viên chúng tôi ngày ngày lặng thầm gieo hạt trên cánh đồng chữ nghĩa, có xa lạ gì đâu với những trăn trở để vụ mùa hoa thơm trái ngọt, cũng đắng lòng khi mỗi trái bị sâu… và chúng tôi cũng biết rằng: “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình” (Can Jung)
Ta vẫn hằng tin rằng: “Dưới ánh sáng mặt trời không nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, nhưng lại cũng có câu nói rằng: không có nghề nào tầm thường, chỉ có điều chúng ta có làm cho nó trở nên cao quý hay không? Và nghề dạy học sẽ mãi là nghề cao quý nếu mỗi chúng ta làm trọn thiên chức của một người thầy. Có lẽ chúng ta đã nghe không ít những tiêu cực trong môi trường học đường, không ít lần phải rơi nước mắt và đầy ám ảnh khi xem clip về nạn bạo lực của người giáo viên, không khỏi xót xa khi thấy đồng nghiệp của mình lạc lối, sa ngã, không khỏi chua chát khi đâu đó nghe người ta phàn nàn: giáo viên bây giờ là tệ nhất… Sẽ chẳng có lời lẽ nào để biện minh nếu mỗi người thầy chúng ta không cố gắng làm tròn trách nghiệm, làm trọn đạo của một người làm thầy để mỗi thế hệ học trò khi ra trường sẽ nhớ về thầy, cô với tình cảm trân trọng nhất, để mỗi độ đông về, ngày 20/11 tới ta lại ấm lòng trước một đóa hoa tươi, trước một tin nhắn, một cuộc gọi đầy tri ân của học trò ở nơi xa…
Lịch sử nước Nam ta đã ghi lại tấm gương của những nhà giáo lớn với trách nhiệm xã hội cao quý như Chu Văn An với Thất trảm sớ, như Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị 18 lộng thần… Khi lời nói thật, khi tấm lòng trung không được lắng nghe thì trả ấn, từ quân trở về làm người thầy để dạy và truyền cái đạo, cái khí tiết của tùng, của bách cho các thế hệ học trò. Cái trách nhiệm xã hội cao vời vợi đó, cái khí tiết trong như sao mai, sao khuê ấy chẳng phải mãi là tấm gương sáng cho thế hệ thầy giáo chúng ta soi vào hay sao.
Hãy để học sinh đến trường chỉ bằng sự say mê tinh khiết của mình. Hãy mở ra bầu trời tri thức bao la như bức thư mà nhiều người vẫn cho là của cố Tổng thống Mỹ A. Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học: “Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh. Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng…”
DỰ BỊ ƠI! HẸN NGÀY GẶP LẠI
Lê Thị Bích Việt
Chi đoàn K14B5
Ngày mai xa rồi Dự bị ơi
Tiếng nói ấy sao mà tha thiết thế
Tôi đứng đây lòng nghẹn ngào biết mấy
Sắp ra Trường rồi mới thấy nhớ thương
Tôi nhớ lắm những ngày đầu mới đến
Mái trường tôi, Dự bị mến yêu
Bỡ ngỡ, ngại ngùng, nhớ nhà có cả
Nhận phòng rồi, nước mắt vẫn còn rơi.
Mỗi bạn mỗi quê, mỗi người mỗi cảnh
Mười bông hoa tụ họp lại một phòng
Nhanh chóng làm quen để rồi thân thiết
Tình bạn thân, bền vững đến bây giờ.
Các thầy cô nhiệt tình lắm nhé!
Coi chúng tôi như con cháu trong nhà Dạy dỗ, bảo ban, tận tình chăm sóc
Yêu thương nâng niu, tình cảm đong đầy.
Thầy cô quản sinh đúng giờ, đúng giấc
Nhắc nhở chúng tôi ăn ngủ kịp thời
Tăng sức khỏe, tinh thần phấn chấn
Hăng say học hành, bố mẹ yên tâm.
Các cô nhà bếp nấu ăn khéo thật
Nuôi chúng tôi béo trục, béo tròn
Bữa cơm nào cũng thắm tình thân mật
Cơm canh ngon ngọt tuyệt vời biết bao.
Ngoài học hành còn có bao hoạt động
Văn nghệ, thể thao, ngoại khóa ngoài giờ
Cùng tập, cùng thi muôn vàn cảm xúc
Tạo sân chơi hấp dẫn vô cùng.
Bao kỉ niệm biết khi nào kể hết
Khắc sâu trong tim ngày ấy đến giờ
Mai xa rồi lòng vương đầy lưu luyến
Mãi trong tim một thuở Dự bị ơi!
Chúng tôi đi đến những chân trời mới
Thực hiện ước mơ, hoài bão cuộc đời
Gửi lại đây lời hẹn thề sâu sắc
Hẹn gặp nhé! Nhớ mãi Dự bị ơi!
TRỞ VỀ
ThS. Nguyễn Quỳnh Lê
UVBCH Đoàn trường
Một chiều tà về thăm chốn cũ
Lòng nghẹn ngào quay quắt
nhớ tuổi thơ Vô tư lự như cánh diều vẫn vậy
Kỉ niệm ùa về cho khóe mắt cay
Góc sân cũ ngôi nhà còn đó
Mắt mãi tìm chẳng thấy bóng dáng quen
Của nội tôi dáng nhỏ trước thềm
Kêu lũ nhóc nhổ tóc sâu có thưởng
Vẫn đây mảnh vườn cũ thân thương
Tuổi thơ thấm những ngày hè oi ả
Trốn ngủ trưa, dựng nhà, rong ruổi
Giọt mồ hôi không cản nổi nụ cười
Mong ước được lần nữa trở về thôi
Thuở bé dại ông bà chiều chuộng
Vỗ về yêu thương những khi mẹ mắng
Và những thức ngon phiên chợ ngày rằm
Dẫu dặn lòng
Kiếp con người biệt ly sinh tử
Chuyện thường tình như chiếc lá vàng rơi
Nhưng nghẹn ngào chẳng thể nào nguôi
Nhớ quay quắt cũng không sao gặp lại
Về chốn cũ vừa quen vừa lạ
Vì người đã xa rồi
Nếu có thể: xin thời gian trở lại
Để trái tim mình khỏi phải xót xa thôi!
P/s: Viết cho bà!
HOÀI NIỆM THÁNG 3
Nguyễn Thị Phượng
UV BCH Đoàn trường
Chiều!
Buổi chiều tháng ba, màu xanh tuổi trẻ!
Thoáng!
Nhớ dự bị một thời cắp sách
Bên giảng đường, thầy cô và đám bạn Kí túc xá thân quen, căng tin đầy kỉ niệm
Thư viện vương vấn những trang sách còn dở dang
Nhớ!
Mấy đứa ham chơi bị thầy bắt gặp
Thỏ thẻ tai nhau hòng trốn tội
Mai lên lớp sắc mặt vẻ hối lỗi
Cố phát biểu bài, giờ giấc chỉn chu
Thế mà nay nó trở thành Cô giáo
Lại nghĩ về dự bị mến thương
Nhớ!
Mấy đứa đội Xung kích, Thanh niên
Tình nguyện xông pha không biết mệt
Miệng cười, tay cuốc đất trồng cây
Cùng tham gia vận động, phát thanh
Ủng hộ vùng sâu, cùng nhau hiến máu
Việc gì khó, chúng nó cũng kề bên
Rồi đồng thanh: Thanh niên là phải thế!
Đào Núi, lấp Biển, quyết trí làm nên
Chiều!
Về thăm lại trường xưa, thầy cô, lớp cũ
Lòng tự hào, gợi nhớ những vấn vương
Dự bị đi qua sao nặng lòng đến vậy?
Mai xa rồi mà vẫn níu bước chân
Chiều!
Về thăm lại trường xưa, giờ thay áo mới
Ghế đá, khuôn viên, hàng cây xanh thẳm
Mỗi góc ngồi, góc học, đẹp hơn xưa
Năm tháng trôi qua, thầy cô vẫn thế
Vẫn nhiệt tình, tận tụy, vẫn yêu thương
Dự bị ơi sao cứ mãi vấn vương?
Cho ta yêu, dù ở đâu chăng nữa
Một tình yêu tha thiết đến vô cùng.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI CHỌN NGHỀ NGHIỆP TƯƠNG LAI
Đinh Thị Thanh
UVBCH Đoàn trường
Trước ngưỡng cửa đại học, làm thế nào để chọn trường, chọn nghề phù hợp? Việc lựa chọn ghề nghiệp rất quan trọng nhưng thực chất không phải ai cũng suy nghĩ thật chín chắn. Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc. Để chọn trường, chọn nghề phù hợp chúng ta hãy xác định đúng đắn sở thích, năng lực và tính cách của mình. Các bạn học sinh dự bị đại học, bạn nào cũng có mong muốn được học ở một trường đại học có chất lượng đào tạo tốt và danh tiếng. Thế nhưng để chọn một nghề phù hợp chúng ta cần lưu ý nhưng vấn đề sau:
- Chọn nghề trước, chọn trường sau
Muốn tìm được trường phù hợp, trước hết chúng ta cần biết, cần xác định mình sẽ làm nghề gì. Chọn nghề trước rồi mới chọn trường. Nhiều bạn khi đăng kí nguyện vọng vào các trường đại học đã không xét đến những yếu tố nghề nghiệp và bản thân. Có bạn chọn trường chỉ vì trường đó nổi tiếng và danh giá. Có bạn chọn trường đại học để dự thi chỉ vì điểm chuẩn của năm trước thấp. Các bạn gần như đánh mất bản thân để chạy theo những hào nhoáng, những ánh hào quang bên ngoài. Thực sự vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để chọn nghề phù hợp?
- Chúng ta cần vượt qua sự tác động của những tư tưởng và quan điểm chưa thực sự đúng đắn khi chọn nghề như:
Chọn nghề theo sư áp đặt của người khác.
Chọn nghề theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu. Chọn nghề may rủi.
Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”. Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền.
Chọn nghề “gấp, rút” mà không có sự kiên nhẫn, hy sinh.
Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học nghề, tuổi thọ của nghề, đầu ra của nghề…
Muốn chọn nghề phù hợp thực sự, cần phải chú ý thực hiện thật tốt các khâu trong quá trình hướng nghiệp. Không thể chờ đợi việc được hướng nghiệp mà bản thân mỗi người phải thực hiện sự tự hướng nghiệp cho chính mình bằng những nỗ lực tốt nhất có thể có của cá nhân.
- Mỗi cá nhân cần tìm hiểu nhiều nhất có thể về những ngành nghề trong xã hội.
Cần tìm hiểu nhiều nhất có thể về những ngành nghề trong xã hội như: Tên nghề và những chuyên môn thường gặp trong nghề.
Nội dung và tính chất lao động của nghề.
Tìm hiểu tổ hợp môn xét tuyển, thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp.
Những điều kiện cần thiết để tham gia lao động trong nghề. Những chống chỉ định y học.
Những điều kiện đảm bảo cho người lao động khi làm nghề. Những nơi có thể học nghề.
Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó. Những nơi có thể làm việc sau khi học nghề.
Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tham gia lao động trong nghề.
- Tìm hiểu về chính bản thân mình để hướng đến việc tìm nghề phù hợp.
Để chọn trường phù hợp năng lực của mình, cần chú ý phân tích sức học dựa trên kết quả học tập THPT, nhất là khoảng thời gian học tập ở trường dự bị đại học. Nếu sức học không quá xuất sắc, đừng vội vàng chọn những trường top đầu như:
Đại học Y, Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại thương, Đại học Luật, Học viện hành chính … Thực tế cho thấy những năm học trước có rất nhiều học sinh dù có học lực khá nhưng chọn trường có tỉ lệ cạnh tranh đầu vào cao, dẫn đến cánh cửa cơ hội cho mình khó khăn hơn. Nhiều thí sinh chọn trường vượt quá khả năng, chạy theo xu hướng cùng bạn bè dẫn đến đuối sức, không đạt kết quả như mong đợi. Vì vậy, việc chọn đúng ngành, đúng trường và đúng sức là điều thí sinh cần quan tâm khi mùa tuyển sinh đang đến gần.
Xuất phát điểm của thí sinh trước ngưỡng cửa nghề nghiệp phải là sở thích, sở trường năng khiếu. Đó là điều quan trọng và cốt lõi.
4.1. Chọn nghề phải phù hợp với tính cách của cá nhân.
Ông Bùi Xuân Tiến, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) tư vấn: Xã hội đang đòi hỏi sự năng động nên chọn những ngành nghề năng động để dễ kiếm việc hơn là những nghề đặc thù như: Luật sư, giáo viên… Ví dụ, các trường có ngành công tác xã hội và dịch vụ xã hội, ra trường cơ hội kiếm được việc làm cao; Các thí sinh cũng có thể chọn ngành kinh tế, thương mại để có thể tự thân lập nghiệp, kinh doanh đa dạng các ngành nghề; người vô cảm với nỗi đau của người khác thì khó có thể thành công với nhóm nghề y; các bạn rất khó để theo nghề sư phạm nếu không có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm… “Nếu chọn trường, thí sinh cần tìm hiểu thông tin về xu hướng thị trường lao động trong vòng 10 năm tới, chứ không phải chỉ ở thời điểm 4 – 5 năm sau khi tốt nghiệp. Chỉ như vậy mới tránh được sai lầm trong hành trình chọn nghề tương lai”.
Bên cạnh những người luôn cày cục tìm cho mình những công việc đem lại thu nhập cao, như lĩnh vực công nghệ thông tin hay phân tích chứng khoán…, những nghề “hot” mà nhiều người cảm thấy “oai” với bạn bè thì lại có không ít người sẵn sàng cống hiến mình cho những nghề có thu nhập thấp nhưng lại vô cùng quan trọng với cuộc sống con người.
4.2. Chọn nghề phù hợp với năng lực, khả năng trí tuệ
Chọn nghề không chú ý đến năng lực học tập, khả năng trí tuệ. Sức học có hạn nhưng lựa chọn trường đòi hỏi khả năng học tập, nghiên cứu cao mà bản thân học sinh không thể đáp ứng, theo học được. Dẫn đến áp lực khi thi cử và mất tự tin vào bản thân, chán nản, bỏ học.
- Bên cạnh đó, cần xét đến khả năng tài chính và sức khỏe để biết mình có khả năng theo đuổi nghề đó hay không?
Nghề trong xã hội hết sức đa dạng và những yêu cầu của nghề đặt ra cho người lao động cũng hết sức khác nhau. Ngoài những yêu cầu chung nhất là lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp… còn cần quan tâm tránh những khuyết tật của cơ thể. Ví dụ: Nghề đòi hỏi đứng bên máy móc không cho phép tuyển người mắc tật bàn chân bẹt (sự tiếp xúc của bàn chân đối với mặt đất quá lớn); Có nghề đòi hỏi người lao động phải tập trung sự chú ý vào một đối tượng (quan sát màn hình của máy vi tính…), nhưng có nghề cần ở người lao động sự phân phối chú ý đến nhiều đối tượng trong cùng một lúc (dạy học, huấn luyện phi công, điều độ ở ga…). Còn người nghiên cứu khoa học có khi phải đọc liền 10 giờ một ngày ở thư viện, hơn nữa việc đó thường kéo dài hàng tháng. Cả hai đều cần sức khỏe tốt, dẻo dai, nhưng một bên dùng cơ bắp, bên kia dùng trí óc.
Vậy, khi chọn nghề mỗi người chúng ta phải biết nghề có yêu cầu như thế nào đối với người lao động. Không có đủ những phẩm chất tâm lý và sinh lý để đáp ứng yêu cầu của một nghề cụ thể thì đừng chọn nghề đó.
KHẨU HIỆU TÌNH NGUYỆN
Trần Văn Tài
Chi đoàn Tự nhiên
Đâu đây nghe tiếng lòng người vẫy gọi
Cần lắm tinh thần người trẻ tuổi
Là tiên phong vững bước trên đường xa
Thanh niên ta làm theo lời Bác dặn
Niên thiếu đã qua tuổi trẻ đến rồi
Có sức khỏe, sức trẻ, tinh thần thép
Đâu đây thấy lấp ló những màu xanh Khó khăn chẳng quản, gian lao chẳng từ
Có nơi nào đồng bào ta gian khó
Thanh niên đến ngay giúp đỡ kịp thời
Ôi đáng quý tinh thần người tình nguyện
Giúp đỡ trẻ thơ, cuộc sống thiệt thòi
Hay những người không may mắn trong đời
An ủi động viên không là lời nói
Thương yêu nhau cả dân tộc một nhà
Trọn nghĩa trọn tình tấm lòng nhân ái
Vĩ đại làm sao tuổi trẻ thanh niên
KHÁT VỌNG TUỔI TRẺ
Đỗ Thị Mai
Chi đoàn Tự nhiên
Rời mái ấm tôi vươn mình cao lớn
Ra đời rồi, mới thấy nhiều chông gai
Nhưng tuổi trẻ trong tôi đầy nhiệt huyết
Quyết vươn lên bừng sáng với cuộc đời
Tuổi trẻ trong tôi, khát vọng trong tôi
Là được sống, được yêu và cống hiến
Giúp đời, giúp người, tình nguyện xông pha
Miền rừng núi hay vùng sâu, vùng xa
Kể cả nơi xa xôi ngoài biển cả
Khát vọng cuộc đời, nguyện bước tiên phong
Tuổi trẻ ngày xưa, tuổi trẻ ngày nay
Đáng quý lắm, lớp người tình nguyện ấy.
MỘT ĐỜI NGƯỜI – MỘT ƯỚC MƠ
Trịnh Thị Hồng Hạnh
Chi đoàn Tự nhiên
Tôi từ bé ước mơ làm cô giáo
Dạy dỗ học sinh tri thức giúp đời
Ước mơ ấy lớn dần theo năm tháng
Cuối cùng là thi đậu đúng ước mơ
Học đại học dù bao nhiêu vất vả
Tôi vẫn kiên trì chờ đợi ngày sau
Vì tôi biết một ngày không xa lắm
Các lứa học sinh sẽ gọi “cô ơi”
Mong chờ mãi và ngày này đã đến
Tôi bước chân vào mái trường mến yêu
Dự bị Sầm Sơn tên trường tôi đó
Nghe êm êm và hi vọng ngập tràn
Năm năm rồi tôi làm việc nơi đây
Đồng nghiệp mến thương học trò lễ phép
Ước mơ tôi giờ đã thành hiện thực
Tôi từng ngày hoàn thiện ước mơ xưa
Thời gian qua nhanh dòng đời tấp nập
Bao thăng trầm vội vã của dòng trôi
Luôn giữ vững ước mơ ngày xưa ấy
Cả cuộc đời kiên định một ước mơ
Tin liên quan
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG DBĐH DÂN TỘC SẦM SƠN KHÓA VIII, NHIỆM KỲ 2022 – 2024
28/04/2022
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
CHUNG KẾT HỘI THI TIẾNG HÁT HỌC SINH NĂM HỌC 2020 – 2021
18/11/2020
Tối ngày 17/11/2020 Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG NĂM MỚI 2017
16/12/2016
Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng năm mới 2017 đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh trong toàn trường có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN MÙA ĐÔNG NĂM 2016
10/01/2017
BCH Đoàn trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động Tình nguyện mùa đông năm 2016, cụ thể như sau
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÁC CHI ĐOÀN KHỐI HỌC SINH
06/12/2016
Tổ chức Đại hội các Chi đoàn khối học sinh nhiệm kỳ 2016 - 2017