Tin ngành giáo dục > NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG QUY CHẾ TUYỂN SINH, BỒI DƯỠNG VÀ PHÂN BỔ HỌC SINH HỆ DỰ BỊ ĐẠI HỌC

tải xuống

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG QUY CHẾ TUYỂN SINH, BỒI DƯỠNG VÀ PHÂN BỔ HỌC SINH HỆ DỰ BỊ ĐẠI HỌC

27/02/2017

Trường dự bị đại học (DBĐH) là loại hình trường chuyên biệt, được thành lập nhằm bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng vào học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, mô hình đào tạo DBĐH đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh ở vùng DTTS, miền núi… Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ DBĐH được ban hành kèm theo Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT ngày 13/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 25) đã không còn phù hợp từ khâu tuyển sinh đến phân bổ học sinh sau bồi dưỡng. Vì vậy ngày 30/12/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT kèm theo Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học; cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ DBĐH (Thông tư 26) thay thế các quy định về tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ DBĐH tại Thông tư 25. Thông tư 26 có hiệu lực từ ngày 15/2/2017 với nhiều điểm mới như sau:

1. Thêm phương thức xét tuyển

Ngoài phương thức Xét tuyển truyền thống dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp) các DBĐH đã thực hiện hàng năm. Từ năm học 2017-2018 thí sinh người DTTS đỗ tốt nghiệp THPT của năm dự tuyển có thêm 1 quyền lựa chọn phương thức xét tuyển vào học hệ DBĐH, đó là Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông, với điều kiện tối thiểu là: Điểm trung bình chung của ba môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12 từ 6,0 trở lên và kết quả xếp loại trong ba năm học trung học phổ thông đạt học lực từ mức trung bình, hạnh kiểm từ mức khá trở lên.

2. Quy định điểm sàn xét tuyển

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh hệ DBĐH và tạo sự thống nhất giữa các trường, Thông tư 26 quy định điểm sàn chung là 12,0 điểm, đối với thí sinh xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, của ba bài thi/môn thi của tổ hợp xét tuyển (không tính điểm ưu tiên và không có bài thi/môn thi nào bị điểm liệt theo quy định tại Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia). Quy định này sẽ giảm độ chênh về điểm xét tuyển giữa các trường DBĐH và là một điểm mới trong tiến trình củng cố, nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh DBĐH.

3. Không giới hạn vùng tuyển

Xuất phát từ thực tiễn về vị trí địa lý gần gũi của các trường với địa bàn nơi cư trú của học sinh DTTS, Thông tư 25 đã quy định vùng tuyển sinh của các trường DBĐH,… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có ý kiến cho rằng quy định này vô tình đã gây ra những khó khăn trong khâu tuyển sinh của các trường DBĐH và thiệt thòi cho thí sinh ở những vùng có nhiều nhu cầu học DBĐH. Hơn nữa, với điều kiện giao thông ngày càng thuận lợi, việc đi lại từ nhà đến trường 1 vài lần trong năm của học sinh đã không còn quá khó khăn như trước. Vì vậy Thông tư 26 bỏ quy định về vùng tuyển so với trước đây cũng là một việc làm cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục DBĐH của tất cả học sinh DTTS ở các vùng miền trên cả nước.

4. Đưa chương trình Rèn luyện sức khỏe và Giáo dục Kỹ năng vào chương trình bồi dưỡng

Theo Điều 8 của Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học; cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ DBĐH ban hành kèm theo Thông tư 26, ngoài chương trình Bồi dưỡng kiến thức văn hóa, “Căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh, hiệu trưởng lựa chọn các môn thể dục, thể thao để học sinh rèn luyện sức khỏe và các chủ đề kỹ năng để giáo dục cho học sinh”. Quy chế này cũng quy định bắt buộc phải có 2 tiết/tuần học sinh được rèn luyện sức khỏe và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học tập ở bậc đại học. Như vậy, Quy định mới này là một bước quan trọng trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng DBĐH nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh, chú ý đến những kiến thức hướng nghiệp/dạy nghề, giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như bồi dưỡng, rèn luyện các kĩ năng sống cho học sinh để phù hợp theo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Như vậy, Thông tư 26 đã quy định chi tiết, rõ ràng và chặt chẽ hơn so với Thông tư 25 từ Công tác tuyển sinh, Tổ chức bồi dưỡng đến Xét chọn và phân bổ học sinh vào học trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, đồng thời thể hiện được tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29-NQ/TW, góp phần quan trọng trong việc từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của trường, khoa DBĐH đáp ứng mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS, miền núi./.

Tin liên quan

ĐIỂM CHUẨN TRÚNG TUYỂN DỰ BỊ ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2017-2018

14/08/2017

Phê duyệt điểm chuẩn trúng tuyển vào học Trường Dự bị

Đổi mới công tác thanh tra, đáp ứng đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục

22/12/2016

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị trực tuyến Công tác thanh tra giáo dục toàn ngành lần thứ I.

TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC DÂN TỘC SẦM SƠN

Được thành lập theo quyết định số 3885/QĐ-BGDĐT-TCCB

Địa chỉ

Phố Lê Văn Hưu,
Phường Bắc Sơn,
Thành Phố Sầm Sơn

Liên Hệ

Điện thoại: (0237)3821643
Fax: (0237)3821643
Email: dbdhss@moet.edu.vn

Bản quyền

Bản quyền của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn

www.dbdhss.edu.vn